vien

Blog

Các bang hội người Hoa phản Thanh phục Minh ở Hội An

Nghe tiêu đề giống phim kiếm hiệp trên màn ảnh ha, mà người Hoa thời nhà Minh cũng đã tàn cách thời nay mấy trăm năm rồi thì lấy đâu ra nhà Minh mà phản Thanh phục Minh. Thật ra là hổng phải vậy đâu. Hôm nay mọi người hãy cùng Odayaka Vietnam và creator Lạc đi tìm ẩn chuyện nha.

Thời gian qua ở Hội An, cũng là lúc thuận lợi để mình chậm lại, tìm hiểu nhiều hơn về nơi này, những văn hoá thú vị mà nếu đi chơi dăm ba ngày, khó để mà có thời gian tìm hiểu cho hết. Hôm nay, có dịp nói chuyện với một bác sinh ra lớn lên ở nơi đây, mới biết thêm một điều rất thú vị nữa về "thành phố cảng"này.

Tại Hội An có nhiều chuyện thú vị đặc biệt hơn rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần là những ngôi nhà. Một trong số đó là một phong trào mà ta thường hay rất thấy trên các bộ phim cổ trang Trung Quốc, là Phản Thanh Phục Minh. Vào cuối thời nhà Minh năm 1644 đầu nhà Thanh của Trung Quốc, cùng với đó việc đàn áp những người theo phong trào "Phản Thanh Phục Minh"lên cao, những người thương nhân với tư tưởng bất đồng với triều đại nhà Thanh cũng từ đó di cư đến nơi khác sinh sống, một trong những nơi họ chọn là điểm an cư là Hội An, Họ được gọi là người "Minh Hương".

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Hội quán Quảng Đông xưa ảnh sưu tầm trên mạng.

 

Theo một số sử sách viết Trung Hoa vào cuối thời nhà Minh (1368-1644) đã xảy ra tình trạng suy tàn dẫn đến thất thủ triều đại, nhà Thanh lên nắm quyền sau đó. Một số người theo nhà Minh không phục nhà Thanh nên đã vượt biển trên các con thuyền để đến Hội An. Những chuyến đi đầy nguy hiểm, rất dễ bỏ mạng trên biển cả nên khi đến được Hội An họ xem như đã được cứu sống nhờ những vị thần linh che chở, nên khi đặt chân đến Hội An người ta lập nhiều hội quán tâm linh thờ phụng những vị thần theo phong tục thời đó, đến nay vẫn còn những hội quán đó ở Hội An.

Ở đây, họ lập ra họ lập ra năm bang hội;

Quảng Đông,

Phúc Kiến,

Triều Châu,

Hải Nam

Gia Ứng

Cộng đồng người Hoa ở đây đóng góp lớn cùng triều đình Nhà Nguyễn xây dựng các công trình kiến trúc như nhà ở, cửa hàng, chợ, trường học, bệnh viện, chùa miếu, nghĩa trang, hội quán...

Người Hoa ở Hội An đã cho xây dựng bốn hội quán riêng của bốn bang và một hội quán chung. Theo đại tự bằng chữ Hán trên các hoành phi treo ở cổng chính và cửa ra vào tiền điện, các hội quán ở Hội An có tên gọi chính thức bằng chữ Hán là: “Phúc Kiến hội quán” 福 建 會 館; “Trung Hoa hội quán” 中 華 會 館; “Triều Châu hội quán” 潮 州 會 館; “Quỳnh Phủ hội quán” 瓊 府 會 館 và “Quảng Triệu hội quán” 廣 肇 會 館. Bang Gia ứng không có hội quán và sinh hoạt tại hội quán chung: hội quán Trung Hoa.

 

Hội quán Quỳnh Phủ còn có  tên gọi là hội quán Nam Hải : Được người Hoa bang Hải Nam gầy dựng từ năm 1875 nhằm làm nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hải Nam và Gia Ứng ở Hội An. Hiện nơi đây thờ 108 thương nhân người Hoa bị chết oan do lầm là cướp biển. Sau này được vua Tự Đức minh oan và ban sắc phong Trung Đẳng thần và cho xây hội quán để đời sau cúng tế tưởng nhớ. 

Tọa lạc số 10 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, có hướng nam lệch đông 8o. Khuôn viên kiến trúc có diện tích 1233m2, rộng 26,8m, sâu 46m. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước tiền điện, tiền điện, sân giữa tiền điện, phương đình, chính điện, nhà Đông và Tây.

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Hội quán Quỳnh Phủ còn có tên gọi Ngũ Bang hoặc Hải Nam.

 

Hội quán Phúc Kiến: Đây là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần của phong tục và là nơi hội họp đồng hương của  người Phúc Kiến.

Tọa lạc số 46 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, nằm ở hướng nam lệch tây 23o. Tổng diện tích kiến trúc 2000m2, sâu nhất 100m, rộng nhất 24m. Bố cục mặt bằng tổng thể theo kiểu “tứ hợp viện” hay còn gọi là “hình ấn”, trật tự từ trước ra sau gồm: tiền môn – sân trước – tam quan – sân trước tiền điện – tiền điện – sân thiên tĩnh giữa tiền điện và chính điện có mái che – chính điện – sân thiên tĩnh giữa chính điện và hậu điện – hai bên là hai dãy nhà đông và tây. Kiến trúc chính sắp xếp theo kiểu chữ “三” Tam với tiền điện, chính điện và hậu điện song song nhau. Đây là kiểu bố cục mặt bằng đặc trưng của các miếu người Hoa trên một diện tích khá rộng.

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Cổng chính hội quán Phúc Kiến.

Hội quán Trung Hoa:(còn có tên gọi là Hội quán Dương Thương hay hội quán Ngũ Bang) là hội quán của người Hoa xuất hiện sớm nhất ở Hội An.Tọa lạc số 64 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, trước mặt là đường Hoàng Văn Thụ dẫn thẳng ra sông Hoài, nằm ở hướng nam lệch tây 14o. Diện tích kiến trúc: 1160m2, rộng nhất 24m, sâu nhất 57,6m, và có khu vực phía sau rộng khoảng 600m2. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước, tiền điện, sân giữa, phương đình, chính điện, nhà Đông và Tây.

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Hội Quán Trung Hoa còn có tên gọi là Dương Thương cũng là hội quán đầu tiên của Ngũ Bang.

 

Hội quán Triều Châu: Hội quán Triều Châu được Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845, làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng khi đến Hội An sinh sống. Hội quán thờ các vị thần đi biển chế ngự sóng gió, cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm, xuôi gió.

Hội quán là một công trình kiến trúc cầu kỳ với bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng các họa tiết, trang trí bằng gỗ theo các truyền thuyết dân gian. Không những thế, hội quán Triều Châu còn có một số tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ rất đẹp, đây là một trong những công trình kiến trúc khá đặc sắc cùng nghệ thuật đắp nổi hoa văn họa tiết, chủ yếu là đắp nổi bằng sành sứ để tăng thêm vẻ đẹp và tính nghệ thuật cho công trình, thể hiện sự khéo léo tài hoa của người nghệ nhân xa xưa.  ( Trích dẫn từ wikipedia)

Tọa lạc số 157 đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, thành phố Hội An, có hướng nam lệch đông 20o. Khuôn viên kiến trúc có diện tích 824m2, rộng 27m, sâu 30.5m. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước, tiền điện, sân giữa, chính điện, nhà Đông và Tây.

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Hội quán Triều Châu ( Ảnh Trung Nguyen)

 

Hội quán Quảng Đông( còn có tên gọi là Quảng Triệu): Thời điểm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Hội An là một trong những thương cảng chính của nước ta, không những vậy, còn được rất nhiều người Hoa đến định cư, buôn bán làm ăn. Và một hội thương nhân Quảng Đông Trung Quốc, khi sang đây đã quyết định xây dựng hội quán vào năm 1885 để khiến nơi đây trở thành một nơi tín ngưỡng và là nơi tập trung các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hội đồng hương, họp mặt thường xuyên để giúp đỡ nhau trong làm ăn cũng như các nhu cầu cuộc sống khác.

Tọa lạc số 176 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, trước mặt là đường Châu Thượng Văn chạy thẳng ra sông, nằm ở hướng nam lệch tây 12o, tổng diện tích kiến trúc 948m2, ngang 23m, sâu 41,2m, khoảng sân vườn ở sau rộng 300m2. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: tam quan, sân trước, tiền điện, sân giữa, chính điện, hai bên là hai dãy nhà Đông và Tây.

CÁC BANG HỘI NGƯỜI HOA PHẢN THANH PHỤC MINH Ở HỘI AN

Hội quán Quảng Đông về đêm.

[Tác giả Sơn Tùng]